Bai hoc khong bi bo quen

Bài học không bị bỏ quên

  •   TS. Trần Thị Kim Thuận
  •  
     
    Khi phải đi ra nước ngoài có hai điều làm tôi thật khó chịu nhưng lại buộc phải thích nghi, và lần này cũng không ngoại lệ. Đó là thức ăn và jetlag, căn bệnh bị lệch nhịp sinh học do thay đổi múi giờ gây nên. Giờ ở Hà Nội đến trước Jerusalem bốn tiếng và do đó những ngày này, cứ vào giờ ăn thì tôi lại muốn ngủ và thay vì phải ngồi làm việc thì tôi lại muốn ăn, cái đói và cái buồn ngủ luôn đến không đúng lúc làm người ta ngất ngây khó chịu. Tôi chẳng biết phải làm gì với trạng thái này mà chỉ có thể đợi cho nó đi qua mà thôi. Theo lý thuyết, tôi sẽ có ít nhất bốn ngày sống kiểu lơ mơ như thế, mỗi tiếng lệch múi giờ sẽ phải trả lại bằng một ngày mới thích ứng được với giờ địa phương. Còn với đồ ăn thì tôi chỉ có thể vừa ăn vừa niệm thần chú: “ Dân tộc nào cũng chọn thức ăn ngon, chỉ có điều lưỡi mình không biết đó là ngon mà thôi” rồi nuốt tất cả những thức ăn có màu xanh đỏ, những thứ khô và ướt, những thứ có mùi chua chua hay hăng hăng của các loại hạt, những thứ biết tên và không biết tên, mà phần lớn không biết tên vậy.
     
    Cả tuần qua chúng tôi đã làm việc căng thẳng ở Jerusalem, còn hai ngày cuối tuần được đi thăm các địa danh văn hóa. Thế nên từ sáng hôm đó chúng tôi đã rong ruổi trên xe từ Jerusalem lên phía Bắc Israel, đi qua Caesarea rồi Nazareth. Chúng tôi đã dừng lại nghe bà Yudith giảng về lịch sử Israel cổ đại tại công viên quốc gia Caesarea, nhà hát cổ đầu tiên, biển Địa Trung Hải, Nhà thờ … dưới cái nắng bán sa mạc thiêu đốt. Chiều hôm đó, sau khi ăn bữa tối, mệt mỏi cùng căn bệnh jetlack khó chịu đã khiến tôi lăn ra ngủ khi mới 7g. Tôi tự nhủ, mình sẽ ngủ 1 tiếng rồi sẽ dậy để tham gia một hoạt động gì đó do bà Yudith Rosenthal tổ chức vào 8g. Bà Yudith, giám đốc trung tâm đào tạo quốc tế của Israel và cũng là hướng dẫn viên chính của chúng tôi trong khóa học này là một người uyên bác, tận tâm và vui vẻ nhưng yêu cầu về kỷ luật thì chặt chẽ. Dường như cái mà bà ghét nhất trong các buổi lên lớp là học viên đến thiếu hoặc muộn giờ. Nhưng giấc ngủ đã kéo dài hơn tôi nghĩ và khi tỉnh dậy lúc 2g đêm, tôi chợt nhớ mình đã bỏ qua một điều gì đó quan trọng mà tôi sẽ phải bổ sung vào buổi sáng, sau khi xin lỗi bà Yudith.
     
     
    29 người chúng tôi đến đây từ 15 nước khác nhau để tìm hiểu kinh nghiệm nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên phổ thông của Israel. Người ta vẫn cho rằng chất lượng của một nền giáo dục không thể vượt quá được chất lượng của người giáo viên đứng lớp, cho nên bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên luôn là một việc quan trọng. Mà bây giờ, người ta sáng tạo ra rất nhiều phương pháp dạy học hiệu quả khác nhau, dạy học qua trải nghiệm là một phương pháp như vậy. Nếu sống là sự trải nghiệm các cảm xúc của chính bản thân mình trong một cuộc đời dài, thì dạy học bằng trải nghiệm lại là sự cô đọng lại các điều kiện được sắp xếp theo một trật tự có ý đồ, để đưa lại những hiệu ứng chờ mong. Việc thả trôi tâm hồn và thân xác trong một không gian nào đó với những không gian, âm thanh, hình ảnh, ánh sáng mới mẻ… sẽ đưa lại vô vàn những cảm xúc, những ý tưởng mới lạ, vô cùng đặc biệt. Thế mà tôi lại bỏ lỡ hoạt động này, bài học này tối qua. Tôi tiếc đã ngủ quên nên không được tham gia vào một hoạt động thú vị không thể lặp lại nữa. Tôi trách mình, rồi tôi trách các lý do khác nhau đã làm cho tôi mệt mỏi đến ngủ quên này. Hôm nay đã là ngày thứ 8 chúng tôi ở Jerusalem rồi, cái lý do ngủ quên do jetlack sẽ không còn hợp lý nữa, đằng sau việc mất ngủ này còn có muôn vàn lý do khác nhau…
     
     
    Bữa ăn sáng hôm sau tại khách sạn Ohalo trên bờ biển Galillee thật đơn giản với những món ăn của sách sạn 3 sao, dù phòng ăn nhìn ra một khuôn viên khá đẹp và xuyên qua những bụi hoa bơ sờ người ta có thể nhìn thấy một bờ biển trải dài xanh biếc bên những đồi đá trơ trụi. Tiếc nuối buổi học bị bỏ quên, tôi tìm trong phòng ăn bằng được Minh, một cô bé rất dễ thương đang dạy ở Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh năn nỉ:

    - Tối hôm qua bà Yudith làm gì hả em, có gì vui không, có ai vắng không ? Bà có than trách gì bọn chị không? Kể lại cho chị nghe xem đã làm những gì nào? Và thế là với một giọng nói dịu dàng, êm ru của người Đà Lạt, Minh đã kể cho tôi nghe về một buổi tối huyền ảo mà tôi bỏ lỡ, dẫn tôi từng bước chìm sâu vào tưởng tượng Bài học về Đá.
     
    “Đầu tiên, bà Yudith dẫn tất cả học viên vào một cái phòng tối nhỏ, rộng khoảng 30m2 thôi, trong phòng đã xếp 32 chiếc ghế đủ cho mọi người ngồi thành một vòng tròn. Giữa vòng tròn đặt một cái khay thắp đầy nến rất lung linh. Thế rồi khi mọi người đã ngồi vào vị trí của mình, bà Yudith liền yêu cầu mọi người hãy im lặng đi ra vườn và trong  mười phút chọn một hòn đá trong vườn mà mình yêu thích…”
     
    Tôi nhắm mắt mơ màng hỏi, thế rồi sao nữa: “À, thì cả lớp lặng lẽ từng người đi ra vườn, chẳng ai nói với ai câu nào và ai cũng chọn một hòn đá trong vườn rồi vào nhà thôi!”.
     
    Bài học có vẻ ly kỳ qua giọng Minh trầm lại: “Bà Yudith yêu cầu mọi người trở về chỗ ngồi và hãy ngắm hòn đá của mình thật kỹ, sau đó từng người trao đổi với cả lớp về hình dạng của hòn đá đó. Người thì tả hòn đá của tôi giống như một trái núi, người thì tả hòn đá của tôi giống quả tim, giống con vật… rất đa dạng, phong phú. Chỉ là một hòn đá bình thường thôi nhưng mỗi người lại cảm nhận nó một cách rất khác nhau, chỉ là một hòn đá thôi mà trong không gian này lại trở nên rất đặc biệt. Sau đó bà lại yêu cầu mọi người cầm, nắm, xoa hòn đá của mình vào lòng bàn tay thật chặt rồi đặt lại hòn đá trước mặt mình chị ạ”.
     
    Tôi bắt đầu hình dung các hoạt động tiếp theo, về mục tiêu cũng như hiệu ứng của hoạt động này trong ánh nến và không khí trầm mặc của phòng học lúc đó. Nhưng Minh đã dẫn tôi theo một cách tiếp cận khác: “Bà Yudith liền yêu cầu mọi người nhắm mắt lại trong khi bà đổi chỗ một số hòn đá, rồi bà bảo mọi người nhặt hòn đá trước mặt mình lên, nếu ai không nhặt được hòn đá cũ của mình thì chuyển cho người bên cạnh cho đến khi nào mọi người đều có hòn đá cũ mình thì thôi”.
     
    Hay nhỉ, tôi vẫn chưa hiểu câu chuyện về đá này dẫn đến đâu thì Minh đã khẽ khàng: “Sau đó, bà Yudith yêu cầu mọi người mở mắt ngắm nhìn hòn đá một lần nữa và hỏi xem hòn đá có nhắc nhở cho mình về một điều gì đó trong cuộc sống không, hãy kể cho mọi người về điều mình nghĩ. Cả lớp có nhiều ý tưởng hay lắm chị ạ… Rồi bà phát cho mỗi người một bài thơ có đầu đề: Nói chuyện với hòn đá, mọi người đều đọc và chia sẻ cảm tưởng về bài thơ này, mọi người nói nhiều ý hay lắm”.
    -Ừ, thế rồi sao nữa chứ, thế là hết à? Tôi hỏi nhỏ, và Minh nhẹ nhàng tiếp tục:
     
    “Thế rồi trong ánh sáng mờ tỏ của ánh nến, bà Yudith kết thúc buổi tối bằng một câu chuyện về viên đá của người đánh cá. Chuyện kể rằng, có một người đánh cá, một hôm đi câu từ sáng đến tối mà chẳng được con cá nào, buồn quá anh ta định quay về thì thấy trong lưới của mình có một cái gói, anh mở ra và thấy trong đó toàn là những hạt đá nhỏ. Bực mình, anh ta cầm từng viên đá một ném xuống biển. Buổi tối, khi cất lưới đi anh ta thấy còn sót lại một viên đá bèn mang ra soi dưới ánh sáng đèn thì nhận thấy đấy là một viên kim cương. Anh ta vô cùng hối hận vì đã vội vàng vất những viên kim cương quý báu có được xuống biển”.
     
    -Ý nghĩa của câu chuyện này là gì vậy hả Minh, tôi chậm rãi hỏi: “Thì mỗi người trong lớp đều rút ra những bài học khác nhau nào đó, người thì nói là: Trong mỗi người đều có những phẩm chất quý báu khác nhau, hãy phát hiện và làm cho nó tỏa sáng… Rồi, đừng vứt đi những đồ vật khi chưa khám phá hết giá trị của nó. Người thì nói là mỗi người đều ẩn chứa một viên kim cương, trách nhiệm của mình là phải phát hiện ra nó… Rồi cuối cùng bà Yudith đưa ra một ý là: mỗi sự việc, mỗi con người đến với mình trong cuộc sống đều là một viên kim cương, nhưng đôi khi mình lại bỏ qua viên kim cương đó một cách vội vã, đến khi phát hiện ra đó là kim cương thì nó đã tuột khỏi tay mình rồi. Vì vậy, hãy trân trọng và tìm ra giá trị của những điều bình thường trong cuộc sống”…
     
    Tôi giận mình vì đã ngủ quên, rồi tôi giận các lý do khác đã làm tôi bị ngủ quên. Giá
    không có những phiền muộn này thì tôi đã không bị jetlack lâu đến vậy và tôi đã không bị bỏ lỡ Bài học về Đá tuyệt vời của bà Yudith.
     
     
    Cái xứ sở kỳ lạ này, cái đất nước kỳ lạ này đâu đâu cũng chỉ có một màu duy nhất của đá.

    Màu đá cằn cỗi phủ trên khu phố cổ của thành Jerusalem,
    Màu đá cằn cỗi trên các khu nhà mới xây của Jerusalem,
    Màu đá cằn cỗi trải dài, trùm lên nhà cửa, rừng cây, đồi núi từ Jerusalem đến tận Caesarea, Nazareth và kéo dài đến biển hồ Galilee, những nơi chúng tôi đã đi qua. Đá và chỉ có đá…
    Đất nước kỳ lạ này được xây dựng trên sự cằn cỗi của đá.
    Nhà xây trên đá,
    Công viên xây dựng trên đá,
    Cây ô liu trồng trên đá,
    Con người sống và chết trên đá…
     
    Và vẻ đẹp của cây cối nơi đây cũng là vẻ đẹp hóa đá. Những cây cỏ dù có màu xanh non tơ cũng cứng như đá, những bụi cây dại bị già khô, đen lại cũng không rũ oằn xuống mà hóa đá vươn lên tua tủa như chông. Và không biết có phải để ca ngợi vẻ đẹp bất tử của các loài cây hóa đá này hay không mà trong công viên bên cạnh khách sạn Ramat Rachel nơi chúng tôi ở, có một tượng đài cao vút bằng những cột đá xi măng và tít trên đỉnh cao cách mặt đất khoảng 30m, người ta trồng những cây ô liu ngang tàng hắt cái màu xanh cằn cỗi kiêu hãnh của nó lên bầu trời.
     
    Chiều nay, ba người Việt Nam trong khóa học chúng tôi thả bộ quanh khách sạn Ramat Rachel ngắm nhìn những cây thông khô hạn đang vi vu trong gió, những đồi cây anh đào xơ xác vừa thu hoạch, những đồi ô liu lá mờ bạc đang nảy những quả non dưới vô số những mạch nước nhân tạo và thẩn thơ : Đất nước Israel này chẳng có tài nguyên gì ngoài đá và con người; chẳng có gì ngoài sức lao động và trí tuệ của con người. Giờ đây đất nước này, cái dân tộc gan góc bám vào đá mà tồn tại, mà phát triển này, đang bắt mọi hòn đá phải biến thành nguồn sống, đang vươn lên rực rỡ và tỏa sáng trí tuệ của mình. Chính từng con người, tài nguyên hiếm hoi của đất nước đã có trách nhiệm phát hiện và làm tăng thêm giá trị của bản thân mình như những viên kim cương tiềm tàng quý báu.
     
    Đất nước kỳ lạ này!
    Nơi mà 2000 năm trước hàng triệu con người đã phải phiêu tán ra đi,
    Nơi duy nhất trên thế gian sau 2000 năm những con người đau đớn, tan tác lại trở về,
    Để được sống trên mảnh đất cằn cỗi huyền thoại của tổ tiên,
    Để nở hoa bất tử trên những đồi núi đá mà cha ông để lại.
     
    Tôi cúi xuống nhặt lên tay một hòn đá, một hòn đá nhỏ của Jerusalem, một hòn đá của chính bản thân mình. Và rồi, dường như chính tôi cũng đang bắt đầu nói chuyện thì thầm với hòn đá như bà Yudith Rosenthal vậy…
     
  •